Đây là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, được xem là chính sách thiết thực, hợp lòng dân. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, đời sống của người dân thuộc hộ nghèo ở những xã vùng khó khăn của tỉnh được cải thiện rõ nét.
Hiện nay tỉnh Cà Mau có 07 huyện, thành phố, với 20 xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn, trong đó có 01 xã bãi ngang. Năm 2010, tổng số đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 33.068 khẩu; năm 2011, là 42.083 khẩu; năm 2012 là 38.226 khẩu và năm 2013 là 31.658 khẩu.
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh
làm việc với UBND huyện Đầm Dơi và UBND xã Tân Duyệt
Tỉnh Cà Mau thực hiện bằng hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt, được thực hiện 01 lần/năm theo danh sách hộ nghèo của từng đơn vị; việc cấp phát có ký tên của đối tượng thụ hưởng và xác nhận của UBND cấp xã. Việc thanh, quyết toán được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Kết quả từ năm 2010 đến 2013, tổng kinh phí hỗ trợ là 14.352.220.000 đồng, trong đó: Năm 2010: 3.251.960.000 đồng, năm 2011: 4.175.940.000 đồng, năm 2012: 3.789.900.000 đồng, năm 2013: 3.134.420.000 đồng.
Qua báo cáo của Đoàn khảo sát cho thấy, việc triển khai thực hiện Quyết định 102 gắn với các chính sách an sinh xã hội khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; góp phần giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Không ít hộ dân nghèo khi nhận được vốn này, biết kết hợp với các nguồn vốn khác để đầu tư mua cây, con giống để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, huyện Đầm Dơi có 2 xã nằm trong diện khó khăn, năm 2011 có 131 hộ thoát nghèo, năm 2012 139 hộ thoát nghèo, dự kiến cuối năm 2013 khả năng có 135 hộ thoát nghèo. Huyện U Minh cũng vậy, tính từ năm 2011 đến nay hộ nghèo tại 4 xã thụ hưởng chính sách này đã giảm 639 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo 2,15%, riêng hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 16 hộ, tỷ lệ thoát nghèo là 3,71%.
Hộ nghèo ở vùng khó khăn của tỉnh rất quan tâm nguồn hỗ trợ từ Quyết định 102
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, mức hỗ trợ cho 01 đối tượng là 80.000 đồng/người/năm đối với những người ở xã bãi ngang và 100.000 đồng/người/năm đối với những người ở xã vùng đặc biệt khó khăn là rất thấp so với giá cả thị trường hiện nay, nên rât ít hộ được hỗ trợ sử dụng đồng vốn cho việc đầu tư mua cây, con giống phát triển sản xuất, mà chủ yếu chi cho sinh hoạt tiêu dùng. Nhiều xã có địa bàn rộng, nên việc tập trung các đối tượng thụ hưởng để cấp phát còn gặp khó khăn; việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân từng nơi chưa kịp thời và chưa đảm bảo thời vụ. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Quyết định 102 về mặt thời gian chưa đồng bộ với các chính sách hỗ trợ khác, đồng thời cũng chưa tổ chức thực hiện lồng ghép cùng với các chương trình khác có cùng nội dung hỗ trợ để người thụ hưởng có nguồn kinh phí tập trung thực hiện việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình có hiệu quả, vì vậy việc sử dụng vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất của đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả chưa cao. Và hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn một số xã được tách ra từ xã khó khăn chưa được Chính phủ đưa vào danh sách xã khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg, do đó, hộ nghèo ở các xã này hiện nay không được thụ hưởng nguồn hỗ trợ của Quyết định 102, cũng như các chính sách khác.
Thiết nghĩ, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 102 trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, UBND tỉnh cần nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ lên từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/người/năm hoặc hỗ trợ theo hộ với mức bình quân từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng/hộ/năm cho phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Đồng thời sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa 03 xã được chia tách từ các xã vùng khó khăn như: như xã Ngọc Chánh tách từ xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi; xã Lâm Hải tách từ xã Đất Mới, huyện Năm Căn; xã Khánh Thuận tách từ xã Khánh Hòa, huyện U Minh vào danh sách xã khó khăn để các hộ nghèo nơi đây được thụ hưởng Quyết định 102 cũng như các chính sách hỗ trợ khác áp dụng cho vùng khó khăn.
Hoàng Hiền